Chào mừng bạn đọc quay trở lại với website Nhatkyphuotvn.com. Bài viết này chúng ta sẽ bàn 1 chút về kinh nghiệm đi du lịch phượt Bình Định Quy Nhơn đầy đủ nhất, bao gồm những địa điểm đẹp nên tham quan, những món ăn ngon, phương tiện đi lại, cũng như 1 số lưu ý khi đặt phòng khách sạn … Mời bạn đọc cùng theo dõi.
Kinh nghiệm du lịch phượt Bình Định – Quy Nhơn mới nhất
Mục Lục Trong Bài Viết
Hỏi nên đi Bình Định vào thời điểm nào?
Khí hậu Bình Định có tính chất nhiệt đới ẩm, gió mùa với 2 mùa rõ rệt trong năm. Mùa khô bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 8 và mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12. Nếu có kế hoạch đi du lịch Quy Nhơn, Bình Định các bạn nên sắp xếp đi vào khoảng từ tháng 1-9, thời tiết lúc này có nắng và ít mưa, biển êm nên có thể ra được một số đảo như Kỳ Co, Cù Lao Xanh, Hòn Khô…
Hướng dẫn đi bằng phương tiện nào thuận lợi ?
Nếu muốn đi bằng Tàu hỏa từ Hà Nội / Hồ Chí Minh
Ở Bình Định có ga Diệu Trì, nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 20km. Hàng ngày từ Hà Nội hay Hồ Chí Minh đều có các chuyến tàu Thống Nhất Bắc Nam chạy qua.
Từ Diêu Trì bạn đi taxi về Quy Nhơn mất chừng 30 phút, phí taxi khoảng 200.000đ, giá vé dao động từ 500.000đ – 800.000đ tùy theo loại vé bạn mua. Từ Diêu Trì, để tiết kiệm, bạn cũng có thể thương lượng đi ghép với những hành khách khác cũng về thành phố.
Nếu muốn đi bằng Xe khách từ Hà Nội / Hồ Chí Minh
Ngoài những tuyến xe chạy trực tiếp tới Bình Định, các bạn cũng có thể lựa chọn một nhà xe bất kỳ chạy Bắc Nam (hoặc Nam Bắc) và xuống xe tại Bình Định.
Hãng xe Hoàng Long:
+ Tại Hà Nội: 505 Minh Khai. Điện thoại (04).3987.5410; 28 Trần Nhật Duật. Điện thoại (04).39.28.28.28; Bến xe Lương Yên, số 1 Nguyễn Khoái. Điện thoại (04).3987.7225. và 873 Giáp Bát. Điện thoại (04).3664.6617.
+ Tại Quy Nhơn: số 60 Tây Sơn – Quy Nhơn. Điện thoại: (056).946.111.
+ Tại Sài Gòn: Mua vé tại bến xe miền Đông. Điện thoại: (08).3511.3113. Hoặc liên hệ văn phòng tại số 47 Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Điện thoại: (08).3915.1818.
Hãng xe Mai Linh:
+ Tại Hà Nội: 55 Kim Đồng, P.Giáp Bắc, Q.Hoàng Ma. Điện thoại: (04).36.33.66.99.
+ Tại thành phố Hồ Chí Minh liên hệ tổng đài đặt vé: (08).39.29.29.29. Hotline: 0985.29.29.29.
+ Tại Quy Nhơn: Mua vé trực tiếp tại bến xe Quy Nhơn. Điện thoại: (056).3946.099.
Hãng xe Phương Trang:
+ Tại thành phố Hồ Chí Minh đến trực tiếp tại địa chỉ: 272 Đề Thám, Quận 1. Điện thoại liên hệ: (08).3837.5570.
+ Tại Quy Nhơn: 15 Tây Sơn, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Điện thoại liên hệ: (056).3946.538.
Nếu muốn đi bằng Máy bay từ Hà Nội / Hồ Chí Minh
Hiện nay có các chuyến bay từ Hồ Chí Minh và Hà Nội đi sân bay Phù Cát – Quy Nhơn. Bạn có thể mua vé máy bay của các hang Vietnamairline, Vietjet. Giá vé thay đổi tùy thuộc vào thời điểm bạn book vé.
Sân bay Phù Cát cách trung tâm Tp Quy Nhơn khoảng 35km, ngay trong sân bay có xe buýt của cảng hàng không đón khách từ sân bay về, trả khách tại số 1 Nguyễn Tất Thành, giá vé là 50.000đ. Nếu đi theo đoàn đông (>5 người) Bạn có thể lựa chọn đi taxi vì giá taxi trọn gói đi từ sân bay về Tp Quy Nhơn cũng chỉ vào khoảng 200.000đ, bạn lại được đưa thẳng về khách sạn chứ không mất thêm công di chuyển.
Chiều ngược lại, bạn muốn đi từ Quy Nhơn ra sân bay Phù Cát thì cứ đến số 1 Nguyễn Tất Thành, trước giờ bay khoảng 2,5 tiếng sẽ có xe đưa ra sân bay (xe bus tại đây đưa khách đi dựa trên giờ bay thực tế chứ không có giờ cố định).
Nếu muốn đi taxi giá rẻ ra sân bay, các bạn cũng cứ đến địa điểm số 1 Nguyễn Tất Thành, đến đây cánh lái xe taxi ngay ngoài cổng thường gộp chung khoảng 5 – 6 khách lại đi 1 chuyến ra sân bay với giá khoảng 70.000đ/ người.
Đặc sản Bình Định / Nên ăn gì khi tới Bình Định
Tại Quy Nhơn Bình Định có rất nhiều món ăn ngon nổi bật, vì vậy khi đi du lịch phượt tới nơi này hẳn các bạn sẽ không thể bỏ qua những món ăn ngon tại Bình Định rồi. Cùng xem chi tiết các món ngon nên ăn khi đi du lịch phượt tới Bình Định tại đây.
Những địa điểm tham quan du lịch ở Bình Định không thể bỏ qua
Đàn tế Trời Đất
Đàn tế Trời Đất hay còn gọi là Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn, được khởi công xây dựng ngày 26/11/2011, trên khu đất rộng 46 ha, tại núi Ấn Sơn thuộc thôn Hoà Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Tương truyền, tại vùng non nước cẩm tú linh thiêng Ấn Sơn này, ba anh em nhà Tây Sơn đã được ban kiếm lệnh và ấn triện có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc” trước khi khởi binh dựng nên sự nghiệp vĩ đại đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn thống nhất sơn hà, quét sạch ngoại xâm. Công trình bao gồm: Đàn tế, Đền Ấn, cổng Tam quan, hồ bán nguyệt và một “nghi môn ngoại” ngăn cách giữa không gian tâm linh với bên ngoài.
Đàn tế Trời Đất
Đàn tế toạ lạc trên đỉnh cao nhất của Ấn Sơn, cấu trúc 3 tầng. Tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, tượng trưng cho Trời. Tầng thứ 2 gọi là Phương Đàn, có hình vuông, tượng trưng cho Đất. Tầng dưới cùng cũng hình vuông được xây bằng tường đá ong theo hướng chính là hướng Nam. Bên trong cổng tam quan là nơi diễn ra một số nghi thức trước khi tế lễ.
Nằm bên phải Đàn tế là khu Đền Ấn, nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hoà giữa Trời và Đất, giữa Âm và Dương. Bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn được đặt ở nơi này. Đền Ấn gồm Tiền tế, Phương đình và Hậu cung – là nơi đặt bàn thờ cùng bài vị của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và các công trình phụ trợ, được bố trí theo trục thần đạo hướng Nam – Bắc.
Thành Hoàng Đế
Thành Hoàng Đế
Được triều đại Tây Sơn xây dựng vào năm 1775 trên nền thành Đồ Bàn xưa của vương quốc Champa để lại, nay là xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá thuộc thị xã An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 25km. Nơi đây còn lưu giữ chứng tích về sự tồn tại của các vương triều Cham Pa, Tây Sơn và nhà Nguyễn.
Thắng cảnh Hầm Hô
Thắng cảnh Hầm Hô vùng sông nước
Là một khúc sông dài gần 3km chảy qua các khu rừng già với những tảng đá lớn muôn hình muôn vẻ trên địa bàn xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km về phía Tây Bắc. Nơi đây có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những khối đá dựng thành vách, rừng cây rợp bóng mát che phủ dòng nước và tận hưởng những tuyệt tác của thiên nhiên ngay dưới lòng sông.
Đến đây bạn có thể thuê xuồng tham quan thắng cảnh dọc sông, đây cũng là nơi khắc sâu lịch sử của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn cũng như các nghĩa binh của Mai Xuân Thưởng.
Mũi Vi Rồng
Nằm cách thị trấn Phù Mỹ, Bình Định khoảng 20 km về hướng Đông, Mũi Vi Rồng, hay còn gọi là: Mũi Rồng, là ngọn núi có hình dáng trông như một con rồng khổng lồ được thiên nhiên chạm trổ và điêu khắc.
Mũi Vi Rồng
Theo truyền thuyết, Mũi Vi Rồng xưa kia nguyên là một khối, hình giống vi cá chép, dân địa phương gọi là “Đá Vảy Rồng”. Đời nhà Đường, Cao Biền – một thầy địa lý chuyên tìm những nơi có long mạch để yếm và ông đã tìm đến Mũi Rồng này. Cao Biền thấy Mũi Rồng có linh khí kết tụ bèn phù phép chém đứt để trừ hậu họa. Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đổ đọng lại tạo thành những hòn đá son nhỏ nằm lẫn trong cát.
Loại đá son này rất cứng, khi mài với nước thì cho ra màu đỏ thắm, cầm không dính tay nên được truyền tụng loại son trời cho. Xưa, học trò khắp nơi hay về đây để lấy loại đá về làm son cho thầy chấm bài.
Nếu tinh ý ngày nay thỉnh thoảng ta vẫn có thể tìm thấy những hòn son màu đỏ nằm lẫn trong cát biển. Khi chiều xuống, với quần thể những bãi đá như Bãi Bàn, Đá Dựng lô xô kỳ thú, khu vực Mũi Vi Rồng – Tân Phụng trông như một con rồng kỳ vĩ đang cất mình ra biển.
Chùa Ông Núi
Người dân Bình Định vẫn gọi chùa Linh Phong là chùa Ông Núi (thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát).
Theo tài liệu của chùa biên soạn năm 2001, chùa do ông Tổ Giám Huyền và đệ tử Tánh Bang (Lê Ban) sáng lập năm Giáp Tý (1684) niên hiệu Chánh Hoà thứ 5 thời vua Lê Hy Tông (theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì chùa thành lập năm 1702 niên hiệu Chánh Hoà thứ 11).
Chùa Ông Núi – Bình Định
Thầy trò “tu thiền quán nơi hang đá. Trước mặt có một suối nước từ chóp núi đổ xuống, nên hang đá mang tên “Dũng tuyền thạch cốc” (hang đá nước xối mạnh). Sau đó thầy Giám Huyền giao lại cho đệ tử Lê Ban để đi vào phía Nam tu hành.
Khoảng năm 1967, chùa bị bom đạn chiến tranh xóa sạch. Đến năm 1990, chùa mới bắt đầu được xây cất lại. Mái cổ lầu, lợp ngói ống, trên nóc gắn hình lưỡng long tranh châu, nạm sứ. Đôi cột trước điện hình song long cuộn.
Tượng Phật cao 2,5m, đại hồng chung nặng 1,2 tấn, đều mới đúc tại chỗ bởi các nghệ nhân từ Huế và công việc tái thiết chùa diễn ra liên tục đến năm 2004 mới hoàn thành như ngày nay.
Đảo Cù Lao Xanh
Đảo Cù Lao Xanh – Bình Định
Cù Lao Xanh (đảo Nhơn Châu) còn gọi là đảo Vân Phi là một hải đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Trước kia Cù Lao Xanh vốn là đất của tỉnh Phú Yên nhưng được nhập về thành phố Quy Nhơn từ sau năm 1975.
Bảo tàng Quang Trung
Bảo tàng Quang Trung
Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 45km về phía Tây Bắc, bảo tàng Quang Trung thuộc làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong của huyện Tây Sơn.
Khu vực bảo tàng bao gồm 9 phòng trưng bày với những chủ đề khác nhau, lưu giữ hàng nghìn tư liệu, hiện vật quý xuyên suốt qua các thời kỳ phát triển của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung (1771 – 1789).
Nguyễn Huệ là một anh hùng dân tộc có công dẹp loạn trong nước và đánh đuổi quân xâm lược. Năm 1788, ông thống lĩnh đại quân từ Phú Xuân (Huế) hành quân 35 ngày đêm ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long (nay là Hà Nội). Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế hiệu là Quang Trung.
Đến với bảo tàng Quang Trung, bạn sẽ được nghe thuyết minh, giới thiệu về những chiến tích lẫy lừng và chiêm ngưỡng những hiện vật quan trọng in đậm chiến công hiển hách của các vị anh hùng áo vải như trống trận, cồng chiêng, ấn tín hay 18 loại binh khí thô sơ giúp nghĩa quân Tây Sơn đi từ chiến thắng 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút đến trận đánh 29 vạn quân Thanh.
Trên các bức tường còn khắc ghi tên, tuổi, quê quán của các quan văn, quan võ dưới triều đại Tây Sơn.
Bảo tàng Bình Định
Bảo Tàng Bình Định
Bảo tàng Tổng hợp Bình Đinh với diện tích 3.673 m2, nằm ở vị trí đẹp nhất thành phố Quy Nhơn với 5 gian trưng bày trên 1.000 tài liệu, hiện vật đem đến cho người xem cái nhìn vừa khái quát, vừa cụ thể về quê hương con người Bình Định qua các thời kỳ lịch sử; tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác Hồ và đặc biệt là hệ thống tài liệu, hiện vật về nền văn hóa Champa.
Tượng Trần Hưng Đạo
Tượng đài nằm ở độ cao khoảng 40 mét thuộc đồi Hải Minh (trên bán đảo Phương Mai). Hai bên hông tượng đài trổ hai hướng đi xuống mép dưới biển xếp bằng những bậc đá chẻ, phối hợp với vách dựng uốn cong (kè móng) bảo vệ cho mặt bằng đài tượng vững chắc, đồng thời tạo đường lượn mềm mại, duyên dáng cho công trình.
Với chiều cao 16m, bạn có thể nhìn thấy tượng ngay từ bờ biển Quy Nhơn phía đường Xuân Diệu và ngược lại, từ trên tượng bạn cũng có thể ngắm toàn cảnh thành phố biển Quy Nhơn.
Đảo Hải Giang
Là một ốc đảo nhỏ bé nằm trên bán đảo Nhơn Hải, là một làng chài dân cư thưa nhớt nhưng Hải Giang có địa hình khá độc đáo, nằm giữa núi và biển, cách biệt với thành phố Quy Nhơn bởi những rặng núi thuộc dãy Phương Mai.
Đảo Hải Giang – Bình Định
Để tới đây du lịch, bạn có thể đi bằng thuyền khởi hành từ bến Hàm Tử. Tới Hải Giang bạn có thể leo núi, lặn biển và thưởng thức các món hải sản tươi ngon ngay trên đảo.
Biển Quy Nhơn – Bình Định
Biển Quy Nhơn – Bình Định có rất nhiều nơi đẹp chẳng hạn như Bãi Trứng, Bãi Dại, Biển Kỳ Co, Biển Trung Lương … Các bạn tham khảo chi tiết tại đây => Biển Quy Nhơn – Bình Định.
Một số nhà nghỉ, khách sạn tại Quy Nhơn Bình Định giá tốt
Ở TP.Quy Nhơn, Bình Định có rất nhiều nhà nghỉ, homestay và khách sạn từ bình dân đến cao cấp cho các bạn lựa chọn. Giá phòng dao động từ 200.000 – 1.000.000 VND/đêm.
Theo kinh nghiệm du lịch Bình Định tự túc, thuận lợi và an toàn, các bạn nên book phòng khách sạn sớm trên agoda.com, nhất là vào mùa cao điểm để tránh tình trạng cháy phòng, đội giá. Các bạn có thể tham khảo một số khách sạn tốt, chất lượng, tiện nghi và giá rẻ nên ở khi du lịch Quy Nhơn, Bình Định sau:
- Y Linh Hotel: 18 Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Quy Nhơn (Bình Định).
- Muong Thanh Quy Nhon Hotel: Số 02 Nguyễn Huệ, Quy Nhơn (Bình Định).
- Royal Hotel And Healthcare Resort Quy Nhon: 01 Hàn mạc tử, Quy Nhơn (Bình Định).
- Seagull Hotel: 489 An Dương Vương, Quy Nhơn (Bình Định).
- Sunflowers Hotel: Số 13-15-17, Nguyễn Huệ, Quy Nhơn (Bình Định).
Trên đây là tổng quan về kinh nghiệm đi du lịch phượt tới Bình Định Quy Nhơn chi tiết và đầy đủ nhất, mong rằng bài viết có đủ thông tin cần thiết cho bạn đọc. Hãy chia sẻ cảm nghỉ của mình khi bạn đã đi du lịch phượt tới địa điểm này rồi. Còn đối với những ai chưa đi, chúc các bạn sớm thực hiện chuyến đi phượt tới địa điểm thú vị này, và dĩ nhiên đừng quên xem bài viết Kinh nghiệm du lịch phượt Bình Định trước khi thực hiện hành trình của mình nhé.
Xem thêm:
- Tổng hợp các địa điểm cắm trại đẹp nhất tại miền Trung (Quy Nhơn Bình Định)
- Kinh nghiệm và hướng dẫn đặt phòng khách sạn trực tuyến khi phượt
- Tổng hợp Top 11 xe máy tốt phù hợp khi đi phượt đường dài